Hắc lào là một loại bệnh ngoài da do nhiễm nấm Dermatophytes, gặp phổ biến ở mọi đối tượng. Vậy bị hắc lào khi mang thai có nguy hiểm không? Cùng tìm hiểu và khám phá cách chăm sóc mẹ bầu khi mắc phải căn bệnh này nhé!
Mẹ bầu thường có nguy cơ bị hắc lào cao hơn người thường do hệ miễn dịch suy giảm trong giai đoạn thai kỳ. Căn bệnh gây ra cảm giác ngứa ngáy khó chịu và những ảnh hưởng nhất định đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Hắc lào khi mang thai có nguy hiểm không?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các mẹ bầu mắc phải căn bệnh hắc lào như tiếp xúc trực tiếp với người mang mầm bệnh, không đảm bảo vệ sinh thân thể, mặc quần áo ẩm mốc, không gian sống ẩm thấp, không thoáng mát,... Các yếu tố này sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn, vi nấm dễ dàng tấn công hệ miễn dịch suy yếu của phụ nữ mang thai. Vậy nó có nguy hiểm không?
Hắc lào khi mang thai gây nhiều ảnh hưởng tiêu cực.
Theo các chuyên gia, hắc lào khi mang thai không hẳn là một bệnh lý quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nó gây ra các ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều phương diện khác nhau. Ảnh hưởng lớn đầu tiên chắc hẳn là tâm lý của các mẹ bầu, khi mà các vùng da bị hắc lào có khả năng để lại sẹo, gây mất tính thẩm mỹ. Mẹ bầu sẽ cảm thấy ngại ngùng, căng thẳng, mất tự tin với làn da của mình khi phải đối diện với người khác.
Không những vậy, hắc lào nếu không được phát hiện và tiến hành điều trị kịp thời sẽ khiến các vùng da nhiễm bệnh lan rộng ra các vùng da đang khỏe mạnh khác. Hậu quả là mẹ bầu phải chịu đựng những cơn đau ngứa dữ dội, đặc biệt là về đêm. Điều này gây ảnh hưởng trầm trọng đến chất lượng giấc ngủ, tinh thần và các hoạt động thường ngày.
Trường hợp xấu xảy ra khi mà vùng da chịu tổn thương không được vệ sinh sạch sẽ, rất có khả năng bị bội nhiễm, gây tình trạng lở loét, rỉ dịch, làm mủ,...
May mắn thay, hắc lào là chứng bệnh ngoài da không gây nguy hiểm đến sự phát triển và sức khỏe của thai nhi. Tuy nhiên, mẹ bầu không được chủ quan mà phải tiến hành điều trị dứt điểm căn bệnh. Vì nếu mẹ vẫn bị hắc lào khi trẻ chào đời, rất có khả năng trẻ sẽ bị lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc.
Triệu chứng của bệnh hắc lào
Triệu chứng bệnh hắc lào khi mang thai khá điển hình, giống như các bệnh về da liễu khác. Ở giai đoạn đầu nhiễm bệnh, mẹ bầu sẽ thấy một số biểu hiện chung như:
- Dưới da bắt đầu nổi một số mảng nhỏ tròn như hình đồng xu, có màu đỏ hoặc đỏ nâu.
- Vị trí da nổi mẩn có cảm giác ngứa, nhất là khi ra mồ hôi.
- Sau đó, da ở vị trí tổn thương có hiện tượng vảy cứng, bong tróc như vảy nến. Đôi khi kèm theo các mụn nước nhỏ, phồng rộp. Tình trạng này càng tồi tệ hơn nếu người mắc bệnh liên tục cào gãi, xây xước làn da dẫn đến bội nhiễm.
Vị trí thường xuất hiện hắc lào là ở đùi, bàn tay, bàn chân, da đầu, mông, cổ,...
Cách chăm sóc mẹ bầu mắc phải hắc lào
Khi phát hiện mắc bệnh hắc lào, mẹ bầu cần thay đổi một lối sống khoa học cũng như chế độ dinh dưỡng hằng ngày để hỗ trợ đẩy lùi căn bệnh, ngăn ngừa sự tái phát trở lại của hắc lào.
Xây dựng một lối sống khoa học giúp mẹ bầu đẩy lùi căn bệnh hắc lào.
Cách sinh hoạt khoa học cho mẹ bầu bị hắc lào:
- Vệ sinh vùng da bị nhiễm bệnh hàng ngày và giữ cho cơ thể luôn trong tình trạng sạch sẽ. Không sử dụng nước quá nóng gây bỏng da hay khô da, sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn, vi nấm xâm nhập.
- Không cọ rửa quá mạnh hay dùng loại xà phòng có tính axit cao. Các mẹ bầu nên lựa chọn các loại xà phòng dịu nhẹ hoặc có nguồn gốc tự nhiên để tránh tình trạng kích ứng da nhất có thể.
- Hạn chế để cơ thể tiết mồ hôi trong những ngày này.
- Bảo vệ cơ thể khỏi khói bụi, mưa, gió,... không chỉ lúc mắc bệnh mà còn đặc biệt trong giai đoạn thai kỳ để đảm bảo sức khỏe mẹ và thai nhi.
- Không lựa chọn các loại trang phục ôm sát, chất liệu thô cứng gây cảm giác cọ xát, khó chịu cho da.
- Giữ cho tinh thần thoải mái kết hợp chế độ luyện tập thể dục thể thao hàng ngày để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày cho mẹ bầu mắc phải hắc lào:
Mẹ bầu cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe.
- Ăn chín, uống sôi. Hạn chế tuyệt đối các thực phẩm tươi sống.
- Bổ sung các loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E, các khoáng chất,... để tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch.
- Đặc biệt có thể thường xuyên thêm vào thực đơn các loại thực phẩm có đặc tính kháng viêm tự nhiên như tỏi, gừng, nghệ, cà rốt, dầu dừa, ngũ cốc, rau xanh,... Hoạt động này sẽ giúp hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả.
- Uống nhiều các loại nước ép từ hoa quả, rau củ để bổ sung lượng nước và các dưỡng chất cần thiết khác.
- Hạn chế lựa chọn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, các loại ốc, thịt gà và các loại thức uống có cồn, ga.
Hắc lào khi mang thai là bệnh không quá nguy hiểm. Vậy nên các mẹ bầu không cần phải lo lắng quá nhiều. Lên kế hoạch cho một lối sống khoa học với chế độ dinh dưỡng hợp lý kết hợp với liệu trình điều trị bệnh của bác sĩ, chắc chắn bạn các mẹ sẽ nhanh chóng khỏi bệnh mà không để lại bất cứ di chứng nào.